Mỹ hiện nay là vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới và luôn là điểm thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Số lượng sáng chế trung bình được cấp bằng bảo hộ hàng năm tại Mỹ khoảng 500.000 thuộc loại cao nhất thế giới, trong đó số lượng đơn sáng chế quốc tế chiếm tỷ lệ rất lớn. Tính đến ngày 11/5/2021, tổng số lượng bằng độc quyền được cấp tại Mỹ đã lên đến 11.000.000 (Mười một triệu sáng chế).
Cùng với sự phát triển của kinh tế, nhu cầu về sở hữu trí tuệ để bảo vệ các thành quả lao động sáng tạo ngày càng tăng cao. Mặc dù chi phí để đăng ký bảo hộ sáng chế tại Mỹ không hề nhỏ nhưng các doanh nghiệp vẫn chấp nhận vì hiệu quả thu được về lâu dài và ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu thực hiện các thủ tục pháp lý để đảm bảo quyền lợi liên quan đến các quyền sở hữu trí tuệ của mình khi đầu tư kinh doanh ở quốc gia này. Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel đã được Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu hàng hóa Hoa Kỳ (United States Patent and Trademark Office – USPTO) cấp mới 04 bằng sáng chế quốc tế. Tương tự, Công ty CP Vinamit vừa nhận 04 bằng sáng chế do USPTO cấp cho các sản phẩm thức uống đông khô làm từ rau củ, trái cây nội địa, con số này vẫn chưa dừng lại khi Vinamit đã đăng ký bảo hộ với số lượng lên đến 500 sáng chế.
Một trong các sáng chế của Viettel được cấp bằng tại Mỹ
Thành quả bước đầu đem lại là số lượng đơn đăng ký sáng chế liên tục tăng qua các năm. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn khi tiến hành nộp đơn sáng chế tại Mỹ. Nhằm hỗ trợ Quý khách hành, tổ chức và cá nhân có nhu cầu đăng ký sáng chế tại Mỹ, IPHOUSE & ASSOCIATES cung cấp hướng dẫn thủ tục nộp đơn đăng ký sáng chế tại Mỹ như sau.
Cách thức đăng ký sáng chế tại Mỹ
Trước tiên, cần lưu ý rằng, ở Mỹ có hai loại hình đơn đăng ký là đơn tạm thời (provisional) và đơn không tạm thời (non-provisional). Đơn tạm thời là đơn được nộp tạm thời (không yêu cầu hồ sơ đầy đủ) để lấy ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn đầu tiên. Đơn không tạm thời là đơn khi nộp yêu cầu đầy đủ hồ sơ để xét duyệt và thẩm định hồ sơ để văn bằng bảo hộ.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng, khác với Việt Nam nơi bằng độc quyền giải pháp hữu ích có thể được cấp cho các đơn yêu cầu cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích, Mỹ không áp dụng hệ thống này.
Hiện nay có hai cách thức đăng ký sáng chế quốc tế tại Mỹ:
1. Đăng ký sáng chế trực tiếp tại Mỹ (theo Công ước Paris)
Theo cách thức này, chủ đơn trước tiên sẽ tiến hành nộp đơn tại Việt Nam (Cục Sở hữu trí tuệ) lấy ngày nộp đơn để hưởng quyền ưu tiên, sau đó trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày nộp đơn (ngày ưu tiên) tại Việt Nam, tiến hành thủ tục nộp đơn vào Mỹ (USPTO).
Các tài liệu tối thiểu cần thiết để nộp đơn sáng chế theo Công ước Paris trực tiếp vào Mỹ bao gồm:
- Tờ khai được làm bằng tiếng Anh
- Bản mô tả sáng chế bằng tiếng Anh
- Giấy ủy quyền
- Tài liệu liên quan: tuyên bố của tác giả sáng chế, văn bản chuyển nhượng quyền, v.v.
- Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên
- Chứng từ nộp phí, lệ phí
Mẫu tờ khai Form PTO/SB/94 – USPTO
Lưu ý: Cách thức đăng ký này phù hợp, tiết kiệm chi phí khi số lượng các quốc gia mà chủ đơn mong muốn tìm kiếm sự bảo hộ độc quyền sáng chế là ít, hoặc các quốc gia chưa là thành viên của Hiệp ước hợp tác sáng chế (Hiệp ước PCT), ví dụ Đài Loan (Taiwan).
2. Đăng ký sáng chế theo đường quốc tế (theo Hiệp ước hợp tác sáng chế – Hiệp ước PCT)
Ngoài cách thức nộp đơn trực tiếp theo công ước Paris trên đây, chủ đơn có thể lựa chọn hình thức nộp đơn sáng chế quốc tế theo hiệp ước PCT (đơn sáng chế quốc tế PCT có nguồn gốc tại Việt Nam), chỉ định hoặc lựa chọn vào Mỹ.
Theo cách thức này, chủ đơn trước tiên sẽ tiến hành nộp đơn tại Việt Nam (Cục Sở hữu trí tuệ) lấy ngày nộp đơn để hưởng quyền ưu tiên, sau đó trong thời hạn 30 tháng kể từ ngày nộp đơn (ngày ưu tiên) tại Việt Nam, tiến hành thủ tục nộp đơn vào Mỹ (USPTO).
Các tài liệu tối thiểu cần thiết để nộp đơn PCT có nguồn gốc tại Việt Nam vào Mỹ bao gồm:
- Tờ khai được làm bằng tiếng Anh
- Bản mô tả sáng chế bằng tiếng Anh (bao gồm hình vẽ, nếu có)
- Giấy ủy quyền
- Các tài liệu liên quan: tuyên bố của tác giả sáng chế (Oath or declaration of the inventor), tuyên bố bộc lộ thông tin (Information disclosure statement)
- Chứng từ nộp phí, lệ phí
Mẫu tờ khai vào pha quốc gia Mỹ theo Hiệp ước PCT (Form PTO-1390)
Lưu ý: Cách thức đăng ký này phù hợp khi số lượng các quốc gia mà chủ đơn mong muốn/tìm kiếm sự bảo hộ độc quyền sáng chế là lớn.
3. So sánh cách thức nộp đơn theo Công ước Paris vs Hiệp ước PCT
Đăng ký sáng chế tại Mỹ | Theo Công ước Paris | Theo Hiệp ước PCT |
Thời hạn nộp đơn | tối đa 12 tháng | tối đa 30 tháng |
Sự phù hợp | – Số lượng quốc gia mong muốn bảo hộ là ít/giới hạn – Quốc gia chưa là thành viên của Hiệp ước PCT | Số lượng quốc gia mong muốn bảo hộ là nhiều |
So sánh cách thức nộp đơn theo Công ước Paris vs Hiệp ước PCT
Bài viết do IPHOUSE & ASSOCIATES xây dựng, tránh sao chép dưới bất kỳ hình thức nào mà chưa được sự đồng ý của tác giả.
Trên đây là Hướng dẫn cơ bản về thủ tục nộp đơn đăng ký sáng chế tại Mỹ để hỗ trợ Quý khách hàng, tổ chức và cá nhân có nhu cầu đăng ký sáng chế tại Mỹ. Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn chi tiết hơn, vui lòng liên hệ theo thông tin dưới đây. Chúng tôi cam kết cung cấp Quý khách hàng dịch vụ và tư vấn với chất lượng tốt nhất.
Hân hạnh được hợp tác với Quý khách hàng.
Đào Danh Phước
Trưởng Bộ phận Sáng chế và Kiểu dáng – IPHOUSE & ASSOCIATES
Số điện thoại: 0967742458
Email: daodanhphuoc@iphouse.vn
Website: http://iphouse.vn/