Năm 2020, trong khi số lượng đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích của các chủ thể nước ngoài nộp vào Cục Sở hữu trí tuệ giảm 2% so với năm 2019, trái lại số lượng đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích của các chủ thể Việt Nam tăng 35% so với năm 2019. Đặc biệt, số văn bằng bảo hộ sáng chế/giải pháp hữu ích được cấp năm 2020 tăng 57,3% so với năm 2019.
Năm 2020, mặc dù bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, số lượng đơn đăng ký sáng chế nộp vào Cục Sở hữu trí tuệ (Cục SHTT) vẫn tăng so với năm 2019. Cụ thể, năm 2020 Cục SHTT đã tiếp nhận 8368 đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích, tăng khoảng 3,1% so với năm 2019. Trong khi số lượng đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích của các chủ thể nước ngoài giảm 2% thì số lượng đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích của các chủ thể Việt Nam tăng 35% (1505 đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích năm 2020 so với 1115 đơn năm 2019). Điều này chứng tỏ nhu cầu và nhận thức về việc bảo vệ quyền đối với sáng chế của các tổ chức và cá nhân trong nước đã có sự gia tăng đáng kể. Đây cũng là kết quả từ các nỗ lực của Cục SHTT trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tập huấn kỹ năng tra cứu thông tin và viết bản mô tả sáng chế cho các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu.
Số lượng đơn sáng chế nộp hàng năm trong giai đoạn 2010-2019
Xét về kết quả xử lý đơn, trong năm 2020, số lượng đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích được kết thúc thẩm định nội dung (từ chối hoặc cấp bằng) là 7155 đơn (tăng khoảng 16,1% so với năm 2019). Đặc biệt, số văn bằng bảo hộ sáng chế/giải pháp hữu ích được cấp năm 2020 tăng 57,3% so với năm 2019. Trong giai đoạn thẩm định hình thức, có 7842 đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích được chấp nhận đơn hợp lệ (tăng khoảng 7,15% so với năm 2019). Số lượng đươn yêu cầu sửa đổi/chuyển giao đơn đăng ký sáng chế được ghi nhận là 450 (tăng 59% so với cùng kỳ năm 2019).
Trong năm 2021, Trung tâm Thẩm định Sáng chế trực thuộc Cục SHTT quyết tâm phát huy tính chủ động và sáng tạo trong công việc, triển khai đồng bộ các giải pháp với mục tiêu rút ngắn thời gian thẩm định và nâng cao chất lượng thẩm định đơn đăng ký sáng chế, góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế-xã hội.
(Nguồn Cục Sở hữu trí tuệ)