1. Thỏa ước La hay
Thỏa ước La Hay (Hague Agreement) về đăng ký quốc tế Kiểu dáng công nghiệp (KDCN) được ký kết vào năm 1925 và có hiệu lực từ năm 1928 là một điều ước quốc tế do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (World Intellectual Property Organization – WIPO) quản lý, cung cấp một cách thức đăng ký quốc tế KDCN đơn giản, linh hoạt và tiết kiệm.
Hệ thống Thỏa ước này bao gồm 03 văn kiện độc lập: Văn kiện London năm 1934 (đã đóng băng kể từ ngày 01/01/2010), Văn kiện La Hay năm 1960 và Văn kiện Geneva năm 1999 (Việt Nam đã quyết định gia nhập Thỏa ước La Hay theo Văn kiện này trên cơ sở đánh giá sự ưu việt và hoàn thiện hơn của Văn kiện Geneva 1999 so với các Văn kiện còn lại).
Tính đến ngày 25/10/2020, Thỏa ước này bao gồm 85 thành viên, bao gồm Liên minh châu Âu (European Union – EU) và nhiều quốc gia lớn như Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản. Để trở thành một hệ thống được nhiều quốc gia tham gia như hiện nay, Thỏa ước La Hay đã trải qua nhiều lần sửa đổi cho phù hợp với sự phát triển của pháp luật về KDCN trên thế giới và dần trở nên linh hoạt đáp ứng nhu cầu của nhiều quốc gia khác nhau.
2. Cách thức nộp đơn theo Thỏa ước La Hay so với đường quốc gia
Đối với đơn nộp theo đường quốc gia, do nguyên tắc lãnh thổ của việc bảo hộ KDCN, chủ sở hữu KDCN cần phải nộp các đơn quốc gia riêng biệt. Điều này gây không ít các trở ngại, khó khăn đối với người nộp đơn bởi, ví dụ, phải nộp nhiều đơn tại nhiều nước theo nhiều hệ thống pháp luật khác nhau, với các quy định khác nhau về hình thức và nội dung, bằng nhiều ngôn ngữ, sử dụng nhiều loại tiền tệ và phải đóng các loại phí, mức phí khác nhau. Bên cạnh đó, với thời điểm nộp đơn và gia hạn khác nhau, việc xác lập quyền và quản lý quyền được bảo hộ trở nên rất phức tạp.
Nộp đơn KDCN theo đường quốc gia
Trái lại, với Thỏa ước La Hay, chủ sở hữu KDCN không cần phải nộp các đơn quốc gia riêng biệt, mà chỉ cần nộp một đơn duy nhất đến một cơ quan duy nhất là Văn phòng quốc tế (International Bureau – IB) của WIPO với thủ tục tối thiểu, trong đó chỉ định đến các quốc gia mong muốn được bảo hộ.
Nộp đơn KDCN theo Thỏa ước La Hay
3. Quyền nộp đơn
Cá nhân, tổ chức có quyền nộp đơn đăng ký quốc tế KDCN theo Thỏa ước La Hay nếu cá nhân, tổ chức đó thỏa mãn một trong số các điều kiện sau.
Quyền nộp đơn theo Thỏa ước La Hay
4. Ưu điểm của Thỏa ước La Hay
Thỏa ước La Hay, cụ thể là Văn kiện Geneva 1999 có nhiều ưu điểm, bao gồm:
– Đơn giản
Hệ thống La Hay cho phép chủ sở hữu KDCN đăng ký bảo hộ KDCN của mình với thủ tục tối thiểu: chỉ cần nộp một hồ sơ đơn duy nhất tới một cơ quan duy nhất, sử dụng một ngôn ngữ, một loại tiền tệ duy nhất (Francs Thụy Sĩ) với chỉ một danh mục phí. Bên cạnh đó, với việc gia hạn đăng ký quốc tế thống nhất tại một thời điểm cũng như sửa đổi đăng ký quốc tế một cách tập trung với một thủ tục duy nhất được thực hiện tại Văn phòng quốc tế, việc quản lý quyền được đơn giản hóa tối đa.
– Linh hoạt
Đơn đăng ký quốc tế KDCN theo Thỏa ước La Hay cho phép chủ đơn chỉ định bảo hộ ở nhiều quốc gia, đồng thời cho phép tự chỉ định quốc gia xuất xứ (trừ trường hợp quốc gia xuất xứ tuyên bố không cho phép tự chỉ định). Người nộp đơn Việt Nam có thể tự chỉ định Việt Nam.
Thỏa ước La Hay cho phép nộp 100 KDCN trong cùng một đơn với điều kiện các KDCN cùng thuộc một nhóm của Bảng phân loại quốc tế Locarno và các quốc gia được chỉ định trong đơn cho phép.
Đơn có thể sử dụng một trong ba ngôn ngữ: tiếng Anh, tiếng Pháp hoặc tiếng Tây Ban Nha.
– Tiết kiệm
Đơn đăng ký quốc tế KDCN theo Thỏa ước La Hay có thể chỉ định bảo hộ ở nhiều nước chỉ với một khoản phí cơ bản, phí công bố chung. Ngoài ra, các loại phí giảm đáng kể đối với KDCN từ thứ hai trở đi. Hơn nữa, chủ đơn không cần phí thuê luật sư, đại diện sở hữu công nghiệp ở từng nước được chỉ định trong trường hợp không có thông báo từ chối bảo hộ từ các nước đó. Chi phí dịch thuật, công chứng và các chi phí khác cũng được giảm thiểu tối đa, đồng thời tiết kiệm được thời gian theo đuổi đơn và quản lý quyền vì chỉ cần nộp một đơn duy nhất tại một thời điểm và có một đăng ký quốc tế chung được quản lý tập trung.
5. Tài liệu và các yêu cầu đối, lưu ý đối với hồ sơ nộp đơn KDCN
Tài liệu bắt buộc phải có trong hồ sơ đơn
– Tờ khai đăng ký quốc tế. Nếu nộp đơn giấy, người nộp đơn sử dụng mẫu DM/1 tải về từ: https://www.wipo.int/hague/en/forms;
Nếu nộp đơn trực tuyến thì người nộp đơn trực tiếp khai trên giao diện của hệ thống nộp đơn trực tuyến;
– Bộ ảnh chụp, bản vẽ.
Yêu cầu chung đối với tờ khai
– Sử dụng mẫu quy định;
– Sử dụng một trong ba ngôn ngữ: tiếng Anh, tiếng Pháp hoặc tiếng Tây Ban Nha;
– Chỉ dẫn rõ ràng đơn yêu cầu bảo hộ theo Văn kiện 1999 hay Văn kiện 1960;
– Phải có thông tin về chủ đơn;
– Phải có thông tin liên lạc với chủ đơn hoặc đại diện của chủ đơn;
– Phải có thông tin về sản phẩm;
– Phải có thông tin về các quốc gia được chỉ định (không thể chỉ định thêm sau khi đã nộp đơn).
Lưu ý: Nếu thiếu một trong số các tài liệu (tờ khai, bộ ảnh chụp/bản vẽ) hoặc thiếu các thông tin nêu trên trong tờ khai, ngày nộp đơn sẽ bị lùi lại là ngày mà Văn phòng quốc tế (IB) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) nhận được sửa chữa thiếu sót từ người nộp đơn.
Một số lưu ý đối với tờ khai đơn quốc tế
Thông tin về người nộp đơn
Thông tin về người nộp đơn cần khai trong tờ khai bao gồm các mục sau:
– Họ tên của cá nhân hoặc tên của tổ chức, địa chỉ;
– Thông tin về quyền nộp đơn: Người nộp đơn cần nêu rõ mình là công dân, hoặc có nơi cư trú, hoặc thường trú hoặc có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại quốc gia thành viên cụ thể nào.
– Thông tin về quốc gia thành viên của chủ đơn. Lưu ý rằng, mặc dù đã khai thông tin về quyền nộp đơn, những đơn nộp theo Văn kiện Geneva 1999 vẫn cần khai thông tin về quốc gia thành viên của chủ đơn; trong trường hợp đơn được nộp gián tiếp thông qua cơ quan sở hữu trí tuệ của quốc gia thành viên của chủ đơn và chủ đơn đã khai quốc gia thành viên này ở mục thông tin về quyền nộp đơn thì có thể không cần khai mục này;
– Địa chỉ liên lạc: Trong trường hợp có nhiều chủ đơn và không có đại diện được chỉ định thì cần nêu rõ địa chỉ liên lạc; nếu không có thông tin về địa chỉ liên lạc thì địa chỉ của chủ đơn thứ nhất trong danh sách các chủ đơn được nêu trong tờ khai sẽ được coi là địa chỉ liên lạc; nếu đơn chỉ có một chủ đơn và không có đại diện thì mục địa chỉ liên lạc chỉ cần khai nếu địa chỉ này khác với địa chỉ của chủ đơn.
Phần mô tả KDCN
Tùy thuộc vào quốc gia được chỉ định, đơn có thể phải có phần mô tả KDCN. Phần mô tả KDCN là bắt buộc khi chỉ định Rumani, Syria và Việt Nam. Phần mô tả KDCN được khuyến nghị khi chỉ định Liên bang Nga. Đối với các quốc gia được chỉ định khác, phần mô tả KDCN là tùy chọn.
Lưu ý, đơn chỉ mô tả các đặc điểm tạo dáng của KDCN xuất hiện trên bộ ảnh chụp, bản vẽ. Phần mô tả có thể được dùng để chỉ dẫn phần không yêu cầu bảo hộ trong trường hợp yêu cầu bảo hộ KDCN riêng phần (ví dụ, phần mô tả có thể nêu phần không yêu cầu bảo hộ là phần thể hiện bằng nét đứt trên bộ bản vẽ).
Ngoài ra, phần mô tả có thể nêu cách thức sử dụng sản phẩm mang KDCN nhưng không được mô tả các yếu tố kỹ thuật.
Cần lưu ý, phần mô tả KDCN không được quá 100 từ. Mỗi từ vượt quá sẽ bị tính phí 2 Francs Thụy Sĩ.
Thông tin về tác giả KDCN
Thông tin về tác giả là thông tin bắt buộc khi chỉ định các nước sau: Bulgari; Phần Lan, Ghana, Iceland, Hungary, Mexico, Nhật Bản, Rumani, Hàn Quốc, Liên bang Nga, Serbia, Tajikistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ.
Khi chỉ định các quốc gia còn lại, thông tin về tác giả là tùy chọn.
Yêu cầu bảo hộ
Yêu cầu bảo hộ là thông tin bắt buộc khi chỉ định vào Hoa Kỳ và Việt Nam. Tuy nhiên, người nộp đơn không phải tự mình viết phần này. Trong tờ khai đơn quốc tế KDCN đã có sẵn câu yêu cầu bảo hộ đối với Hoa Kỳ và Việt Nam.
Khi chỉ định Hoa Kỳ, người nộp đơn lựa chọn câu yêu cầu bảo hộ “The ornamental design for ____________ as shown and described.”
Người nộp đơn điền tên sản phẩm mang KDCN vào chỗ trống (chỉ một sản phẩm duy nhất kể cả khi đơn có nhiều KDCN). Khi chỉ định Việt Nam, người nộp đơn lựa chọn câu yêu cầu bảo hộ “Application for overall protection for industrial design(s) as shown and described.”
Yêu cầu đối với bộ ảnh chụp, bản vẽ
Bộ ảnh chụp, bản vẽ phải bao gồm các hình chiếu đủ để bộc lộ toàn bộ KDCN. Mỗi KDCN trong đơn đều phải được bộc lộ đầy đủ. Các hình chiếu KDCN cần theo cùng một tỷ lệ. Ngoài ra, cần chú thích tên gọi của các hình chiếu trong tờ khai. Ảnh có thể ở dạng đơn sắc hoặc màu.
Hình chiếu trùng lặp hoặc đối xứng có thể không cần cung cấp nhưng hình được bỏ qua cần được nêu trong phần mô tả và giải thích lý do. Đối với một số nước, có thể không cần mô tả và giải thích nếu hình chiếu được lược bỏ không chứa phần yêu cầu bảo hộ.
Khi chỉ định các nước cho phép bảo hộ KDCN riêng phần, phần không yêu cầu bảo hộ có thể được thể hiện bằng nét đứt hoặc màu sắc khác với phần yêu cầu bảo hộ.
Đối với đơn nộp trực tuyến, các tệp ảnh cần có dung lượng không vượt quá 2MB và độ phân giải không nhỏ hơn 300x300dpi. Khoảng cách tính từ đường biên của đối tượng đến mép biên của ảnh phải từ 1-20 pixel. Tệp ảnh tải lên hệ thống phải có định dạng TIFF hoặc JPEG.
Đối với đơn giấy, kích thước ảnh lớn nhất không được vượt quá 16 x 16cm. Kích thước nhỏ nhất của ảnh phải đảm bảo đối tượng thể hiện trên ảnh có một cạnh lớn hơn 3cm trở lên.
Lưu ý, đối với KDCN 2 chiều như vải, giấy, v.v., thì đơn có thể nộp mẫu vật thay cho bộ ảnh chụp, bản vẽ tại thời điểm nộp đơn trong trường hợp đơn có yêu cầu trì hoãn công bố. Tuy nhiên, người nộp đơn vẫn phải nộp bổ sung bộ ảnh chụp, bản vẽ của KDCN muộn nhất là 3 tháng trước khi kết thúc thời hạn nộp phí công bố. Phí công bố phải được nộp muộn nhất là 3 tuần trước khi hết thời hạn trì hoãn công bố.
6. Cách thức nộp đơn
Đơn nộp theo Thỏa ước La Hay không cần có đơn cơ sở nộp tại quốc gia xuất xứ (khác với Hệ thống Madrid). Tất cả các tổ chức/cá nhân Việt Nam, tổ chức/ cá nhân nước ngoài thường trú tại Việt Nam và tổ chức/cá nhân nước ngoài có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam đều có thể nộp đơn đăng ký KDCN trực tiếp cho Văn phòng quốc tế hoặc thông qua Cục Sở hữu trí tuệ (IP VIETNAM).
Cách thức nộp đơn theo Thỏa ước La hay
Nộp đơn trực tiếp tới Văn phòng quốc tế
Nếu nộp đơn quốc tế trực tiếp tới WIPO thì người nộp đơn có thể sử dụng một trong ba ngôn ngữ: tiếng Anh, tiếng Pháp hoặc tiếng Tây Ban Nha. Có hai cách để nộp đơn tới Văn phòng quốc tế.
Cách 1: Người nộp đơn khai thông tin vào tờ khai theo mẫu sẵn có DM/1, nộp hồ sơ giấy bao gồm tờ khai và bộ ảnh chụp/bản vẽ trực tiếp tới Văn phòng quốc tế hoặc gửi qua bưu điện. Người nộp đơn tiến hành nộp phí cho Văn phòng quốc tế theo một trong các cách sau:
– Ghi nợ vào một tài khoản tại Văn phòng quốc tế.
– Chuyển tiền qua tài khoản bưu điện Thụy Sỹ hoặc vào bất kỳ tài khoản ngân hàng nào được Văn phòng quốc tế chỉ định.
Cách 2: Sử dụng hệ thống nộp đơn trực tuyến của WIPO (eHague). Người nộp đơn đăng nhập vào hệ thống nộp đơn trực tuyến, nhập các thông tin, thanh toán phí bằng chuyển khoản, Paypal hoặc thẻ tín dụng và nộp đơn. Địa chỉ của hệ thống eHague: https://www.wipo.int/hague/en/e-filing.html.
Sử dụng hệ thống nộp đơn trực tuyến có nhiều ưu điểm so với nộp đơn giấy. Thứ nhất, người nộp đơn có thể tải bản mềm gốc của bộ ảnh chụp, bản vẽ lên hệ thống, không phải in ra giấy có thể làm giảm chất lượng của ảnh. Thứ hai, thông tin về tình trạng đơn có thể được truy cập theo thời gian thực. Thứ ba, hệ thống sẽ tính phí nộp đơn một cách tự động nên người nộp đơn không phải tự tính toán, tránh được sai sót không đáng có. Thứ tư, nộp đơn trực tuyến qua hệ thống eHague giúp giảm chi phí đáng kể, nhất là khi đơn có nhiều ảnh chụp, bản vẽ vì khi nộp bộ ảnh chụp, bản vẽ bằng giấy thì mỗi trang từ thứ hai trở đi đều phải nộp phí công bố. Nhược điểm duy nhất của hệ thống eHague là người nộp đơn không thể nộp mẫu vật thay cho bộ ảnh chụp, bản vẽ trong trường hợp được phép.
Nộp đơn gián tiếp qua Cục Sở hữu trí tuệ
Người nộp đơn khai tờ khai theo mẫu DM/1. Mẫu này có thể được tải từ trang web của WIPO hoặc nhận tại Cục SHTT. Ngôn ngữ sử dụng trong đơn khi nộp thông qua Cục Sở hữu trí tuệ là tiếng Anh.
Sau khi điền tờ khai, người nộp đơn nộp hồ sơ bao gồm tờ khai và bộ ảnh chụp/bản vẽ cho Cục Sở hữu trí tuệ kèm theo phí chuyển đơn (2.000.000đ cho mỗi KDCN). Cục SHTT sẽ gửi hồ sơ đăng ký tới Văn phòng quốc tế. Người nộp đơn tự mình tiến hành nộp phí cho Văn phòng quốc tế. Để hỗ trợ người nộp đơn có thể chuyển ngoại tế tới tài khoản của Văn phòng quốc tế, Cục SHTT ra thông báo về việc nộp phí cho đơn quốc tế để người nộp đơn có căn cứ giao dịch với ngân hàng.
7. Các khoản phí phải nộp
Khi nộp đơn đăng ký quốc tế KDCN, chủ đơn phải nộp các khoản phí sau cho Văn phòng quốc tế:
(*) Phí chỉ định chuẩn gồm có 3 mức, tùy thuộc vào quốc gia được chỉ định trong đơn tuyên bố lựa chọn mức phí chỉ định chuẩn nào mà đơn phải nộp khoản phí tương ứng
(**) Trong trường hợp quốc gia được chỉ định trong đơn có tuyên bố áp dụng phí chỉ định riêng thay cho phí định chuẩn thì đơn phải nộp khoản phí tương ứng với mức phí được đưa ra trong tuyên bố của quốc gia đó
Ngoài các khoản phí trên phải nộp khi nộp đơn đăng ký quốc tế, còn có một số loại phí khác tùy thuộc vào thủ tục được thực hiện sau khi nộp đơn như phí gia hạn, phí chuyển giao, v.v. Chi tiết cụ thể các khoản phí theo Thỏa ước La Hay, xem thêm trên: https://www.wipo.int/hague/en/fees/sched.htm.
(nguồn Cục Sở hữu trí tuệ)
Trên đây là tổng hợp, phân tích bổ sung của IPHOUSE & ASSOCIATES liên quan đến việc đăng ký bảo hộ Kiểu dáng công nghiệp theo Thỏa ước La hay từ khi Việt Nam gia nhập Thỏa ước này. Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn chi tiết hơn, vui lòng liên theo thông tin dưới đây. Rất hân hạnh được hợp tác với Quý khách hàng.
Đào Danh Phước
Trưởng Bộ phận Sáng chế và Kiểu dáng công nghiệp
IPHOUSE VÀ CỘNG SỰ (IPHOUSE & ASSOCIATES)
Địa chỉ: Số 60, Lô 2 Khu tái định cư, Tổ 23, đường Cổ Linh, phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội
Số điện thoại: 0967742458 (Hotline)
Email: daodanhphuoc@iphouse.vn
Website: http://iphouse.vn/