Bên cạnh các thông tin tổng hợp liên quan đến việc chuẩn bị hồ sơ và nôp đơn kiểu dáng công nghiệp theo Thỏa ước La Hay mà chúng tôi đã cung cấp (http://iphouse.vn/vi/chuan-bi-ho-so-va-nop-don-dang-ky-kieu-dang-cong-nghiep-theo-thoa-uoc-la-hay/), một nội dung được nhiều tổ chức, cá nhân và Quý khách hàng quan tâm hướng dẫn về cách thức đăng ký, chuẩn bị hồ sơ đăng ký kiểu dáng công nghiệp (KDCN) theo Thỏa ước này một cách chi tiết hơn nữa. Dưới đây IPHOUSE & ASSOCIATES tiếp tục tổng hợp gửi tổ chức, cá nhân và Quý khách hàng các hướng dẫn chi tiết, cụ thể nhất do Trung tâm Thẩm định Kiểu dáng công nghiệp, trực thuộc Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) cung cấp.
A. CÁCH THỨC NỘP ĐƠN
Tất cả các tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài thường trú tại Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam thì có thể nộp đơn đăng ký KDCN trực tiếp cho Văn phòng quốc tế của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) hoặc thông qua Cục SHTT.
Cách thức nộp đơn đăng ký quốc tế KDCN theo Thỏa ước La Hay
1. Các bước thực hiện khi nộp đơn trực tiếp tới Văn phòng quốc tế (IB)
Cách 1: Sử dụng hệ thống nộp đơn trực tuyến của WIPO (eHague)
Người nộp đơn đăng nhập vào hệ thống nộp đơn trực tuyến, theo địa chỉ: https://www.wipo.int/hague/en/e-filing.html, nhập các thông tin, thanh toán phí và nộp đơn;
Cách 2: Gửi hồ sơ đơn trực tiếp tới WIPO hoặc gửi qua bưu điện
Người nộp đơn khai thông tin vào các form mẫu sẵn có (tải xuống từ website của WIPO: https://www.wipo.int/hague/en/forms), nộp hồ sơ giấy trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện.
2. Các bước thực hiện khi nộp đơn gián tiếp qua Cục Sở hữu trí tuệ (Cục SHTT)
– Khai form DM/1: Người nộp đơn truy cập vào Website của WIPO (https://www.wipo.int/hague/en/forms) tải form DM/1 hoặc nhận mẫu DM/1 tại Cục SHTT và tiến hành khai các thông tin;
– Nộp đơn đăng ký quốc tế cho Cục SHTT kèm phí chuyển đơn: 2.000.000đ/mỗi KDCN (~87 USD);
– Nhận thông báo phí từ Cục SHTT và tiến hành nộp phí cho Văn phòng quốc tế;
– Cục SHTT hoàn thiện hồ sơ và gửi Văn phòng quốc tế;
– Ngôn ngữ sử dụng khi nộp qua Cục SHTT: tiếng Anh.
B. HƯỚNG DẪN CHI TIẾT VỀ VIỆC KHAI CÁC TỜ KHAI TRONG HỒ SƠ ĐƠN
1. Tài liệu bắt buộc phải có trong hồ sơ đơn
– Tờ khai đăng ký quốc tế: sử dụng mẫu DM/1 tải về từ trang web: https://www.wipo.int/hague/en/forms;
– Bộ ảnh chụp, bản vẽ.
2. Yêu cầu chung đối với tờ khai
– Sử dụng mẫu quy định;
– Khai bằng một trong ba ngôn ngữ: tiếng Anh, tiếng Pháp hoặc tiếng Tây Ban Nha;
– Chỉ dẫn rõ ràng đơn yêu cầu bảo hộ theo Văn kiện 1999 hay Văn kiện 1960 (Văn kiện 1934 đã bị đóng băng);
– Phải có thông tin về người nộp đơn;
– Phải có thông tin liên lạc với người nộp đơn hoặc đại diện;
– Phải có thông tin về sản phẩm;
– Phải có thông tin về các quốc gia được chỉ định (không thể chỉ định thêm sau khi đã nộp đơn).
Lưu ý: Nếu thiếu một trong số các tài liệu này, ngày nộp đơn sẽ bị lùi lại.
Phần ghi thông tin về người nộp đơn trên mẫu tờ khai
Yêu cầu cụ thể của từng mục như sau:
Yêu cầu về mô tả kiểu dáng công nghiệp trong tờ khai
– Tùy thuộc vào quốc gia được chỉ định, đơn có thể phải có phần mô tả KDCN (phần mô tả KDCN là bắt buộc khi chỉ định Rumani, Syria, Việt Nam; Phần mô tả KDCN được khuyến nghị khi chỉ định Liên bang Nga; Đối với các quốc gia chỉ định khác, phần mô tả KDCN là tùy chọn);
– Chỉ mô tả các đặc điểm tạo dáng của KDCN xuất hiện trên bộ ảnh chụp, bản vẽ;
– Có thể dùng phần mô tả để chỉ dẫn phần không yêu cầu bảo hộ (trong trường hợp yêu cầu bảo hộ KDCN riêng phần);
– Phần mô tả có thể nêu cách thức sử dụng sản phẩm mang KDCN miễn là không mô tả yếu tố kỹ thuật;
– Phần mô tả KDCN không được quá 100 từ, mỗi từ vượt quá sẽ bị tính phí 2 Franc Thụy Sĩ (CHF).
Yêu cầu thông tin chi tiết về tác giả trong tờ khai
Thông tin về tác giả là thông tin bắt buộc khi chỉ định các nước sau: Bulgari; Phần Lan, Ghana, Iceland, Hungary, Mexico, Nhật Bản, Rumani, Hàn Quốc, Liên bang Nga, Serbia, Tajikistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ.
Yêu cầu bảo hộ trong tờ khai
Yêu cầu bảo hộ là thông tin bắt buộc khi chỉ định vào Hoa Kỳ và Việt Nam. Đối với Hoa Kỳ: “The ornamental design for ____________ as shown and described.” Điền tên sản phẩm mang KDCN vào chỗ trống (chỉ một sản phẩm duy nhất kể cả khi đơn có nhiều KDCN. Với Việt Nam: “Application for overall protection for industrial design(s) as shown and described.”
Yêu cầu đối với bộ ảnh chụp, bản vẽ
– Bộ ảnh chụp, bản vẽ phải bao gồm các hình chiếu đủ để bộc lộ toàn bộ KDCN;
– Các hình chiếu cần cùng một tỷ lệ;
– Cần chú thích tên gọi của các hình chiếu (trong Tờ khai);
– Mỗi KDCN trong đơn đều phải được bộc lộ đầy đủ;
trong đó:
Hình thức của đơn nộp trực tuyến
– Các file ảnh chụp cần phải có dung lượng không quá 2MB và độ phân giải không nhỏ hơn 300×300 dpi;
– Khoảng cách tính từ đường biên của đối tượng đến mép biên của ảnh từ 1-20 pixels;
– Định dạng file TIFF hoặc JPEG;
– Ảnh đơn sắc hoặc màu.
Hình thức của đơn giấy
– Kích thước ảnh lớn nhất không quá 16x16cm;
– Kích thước nhỏ nhất của ảnh phải đảm bảo đối tượng thể hiện trên ảnh có một cạnh lớn hơn 3cm trở lên;
– Ảnh đơn sắc hoặc màu;
– Đối tượng 2 chiều thì có thể nộp mẫu vật trong trường hợp có trì hoãn công bố;
Lưu ý: Nếu thiếu hình chiếu, cơ quan thẩm định có thể từ chối bảo hộ vì bộ ảnh chụp, bản vẽ không bộc lộ đầy đủ KDCN (có một số nước cho phép thay thế 6 hình chiếu bằng các hình phối cảnh).
Yêu cầu cụ thể về các hình chiếu
– Hình chiếu trùng lặp hoặc đối xứng có thể không cần cung cấp
– Hình được bỏ qua cần được nêu trong phần mô tả và giải thích lý do
– Đối với một số nước, không cần mô tả và giải thích nếu hình chiếu không chứa phần yêu cầu bảo hộ
Ví dụ:
– Ở các nước cho phép bảo hộ KDCN riêng phần, phần không yêu cầu bảo hộ có thể được thể hiện bằng nét đứt hoặc màu sắc khác với phần yêu cầu bảo hộ;
– Bộ ảnh chụp, bản vẽ vẫn cần phải bộc lộ đầy đủ toàn bộ KDCN;
– Tuy nhiên, ở một số nước, không cần cung cấp hình chiếu không chứa phần yêu cầu bảo hộ (CA, US, IL) – hình 1.2, 1.3, 1.6 sau đây:
Trong trường hợp cần thiết, phải cung cấp thêm hình phóng to, hình mặt cắt, v.v., và các hình này cần được liệt kê rõ ràng, tránh hiểu nhầm là không cùng tỷ lệ hoặc không thống nhất với các hình khác. Xem, hình ví dụ 1.1, 1.2, 1.3 sau đây.
– Bộ ảnh chụp, bản vẽ phải thể hiện các đặc điểm tạo dáng của KDCN một cách rõ ràng;
– Bộ ảnh chụp, bản vẽ phải thể hiện KDCN một cách thống nhất;
– Chỉ thể hiện KDCN bằng một hình thức (ảnh chụp hoặc bản vẽ), không kết hợp hai hình thức trong cùng một bộ;
– Không thể hiện KDCN trên các hình với màu sắc khác nhau (tuy nhiên, ở một vài nước thì KDCN có thể được thể hiện bằng các hình thức khác nhau nếu không có sự khác biệt giữa các hình về màu sắc và các đặc điểm tạo dáng có trên KDCN).
(Nguồn Cục Sở hữu trí tuệ)
Trên đây là tổng hợp của IPHOUSE & ASSOCIATES liên quan đến cách thức đăng ký, chuẩn bị hồ sơ kiểu dáng công nghiệp theo Thỏa ước La Hay. Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn chi tiết hơn, vui lòng liên theo thông tin dưới đây. Rất hân hạnh được hợp tác với Quý khách hàng.
Đào Danh Phước
Trưởng Bộ phận Sáng chế và Kiểu dáng công nghiệp – IPHOUSE VÀ CỘNG SỰ
Số điện thoại: 0967742458 (Hotline)
Email: daodanhphuoc@iphouse.vn
Website: http://iphouse.vn/